Lãi vay giảm không theo kịp lãi suất tiết kiệm

Tốc độ giảm lãi suất huy động của các ngân hàng nhanh hơn giảm lãi suất cho vay, đặc biệt với những hợp đồng vay cũ.
 
 
Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng xuống mức 3%/năm ở một số kỳ hạn
 /// Ảnh: Ngọc Dương
Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng xuống mức 3%/năm ở một số kỳ hạn
ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Đã có mức lãi suất tiết kiệm 3%/năm

Chị N.H (Q.3, TP.HCM) có sổ tiết kiệm gửi ở ngân hàng (NH) SCB thời hạn 6 tháng, lãi suất (LS) 8,18% đáo hạn ngày 14.5, nhưng chưa kịp tới làm thủ tục thì nhân viên nhà băng này gọi hối. “Hôm nay (14.7) LS chứng chỉ tiền gửi cao, hơn 7%/năm, ngày mai là giảm xuống rồi, chị tới làm ngay nhé”, cô này nói.
Dù thấy Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đều kêu gọi nhưng các ngân hàng vẫn không giảm lãi suất hoặc chỉ giảm không đáng kể
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát
Thực tế, LS huy động của các NH đã liên tục được điều chỉnh giảm từ 0,3 - 0,6%/năm chỉ trong vài tuần trở lại đây. Thị trường đã mất dần những mức LS huy động trên 8%/năm, đặc biệt mức 3%/năm đã xuất hiện phổ biến hơn ở những kỳ hạn ngắn. Theo quy định của NH Nhà nước, trần LS huy động ở mức 4,25%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng nhưng hiện hầu hết các NH điều chỉnh giảm thấp hơn mức này khá xa. Chưa đầy 2 tuần đầu tháng 7, Techcombank đã thay đổi bảng LS huy động 7 lần với mức giảm từ 0,1 - 0,3%/năm. Lần thay đổi gần nhất của Techcombank vào ngày 13.7 với LS huy động kỳ hạn 2 tháng còn 3,1%/năm, 3 tháng là 3,2%/năm, 6 tháng là 4,8%/năm, 12 tháng là 4,8%/năm… ACB cũng vừa điều chỉnh giảm LS tiết kiệm có kỳ hạn 1 tháng còn 3,7%/năm, 3 tháng 3,9%/năm, 6 tháng 5,3%/năm, 12 tháng từ 5,7% - 6%/năm…
Là NH luôn có mức LS cao trên thị trường nhưng Bản Việt gần đây cũng liên tục giảm LS huy động từ khách hàng cá nhân. Cụ thể, LS huy động kỳ hạn 1 tháng còn 4%/năm, 3 tháng 4,1%/năm, 6 tháng 6,7%/năm, 12 tháng 7,3%/năm… Trước đó, 4 nhà băng lớn: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank đã giảm LS huy động. Riêng LS giao dịch của các NH trên thị trường liên NH từ đầu tháng 7 đến nay ở mức rất thấp, gần 0%/năm.
Đợt “sóng” LS huy động đồng loạt giảm xuất phát từ tình trạng NH huy động vốn dư thừa mà cho vay khá chậm. Theo Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng, nhà băng này huy động vốn trong 6 tháng đầu năm tăng 5,6% so với cuối năm 2019, đạt khoảng 1 triệu tỉ đồng; dư nợ tín dụng tăng 5%, đạt 772.000 tỉ đồng, trong đó tín dụng bán lẻ tiếp tục tăng trưởng cao ở mức 7,4%, chiếm 51,8%/tổng dư nợ, tăng thêm 1,2 điểm % so với 2019.
Trước tình hình tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, một số NH giảm LS cho vay ưu đãi so với trước đó từ 0,2 - 0,3%/năm để đẩy mạnh đầu ra. Chẳng hạn, BIDV dành 20.000 tỉ đồng cho cá nhân vay mua ô tô, sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo vay LS 7,3%/năm; gói 50.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân vay sản xuất kinh doanh với LS từ 6%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc 6,5%/năm từ 6 - 12 tháng... Vietcombank giảm LS cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ vay sản xuất kinh doanh, ô tô, sửa chữa nhà, mua nhà dự án... thấp hơn chương trình cũ khoảng 0,3%/năm.

Lãi vay cũ vẫn ở mức cao

Ngành vận tải là một trong những lĩnh vực bị tác động trực tiếp khi dịch Covid-19 diễn ra. Công ty vận tải Kim Phát là một trong số các doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu đến 70 - 80% trong cuối quý 1 đến quý 2/2020. Đến nay, hoạt động của công ty đã phần nào hồi phục nhưng cũng chỉ bằng khoảng 70% so với thời điểm trước khi có Covid-19. Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát, thời gian qua công ty có đề nghị các NH xem xét giảm lãi vay nhưng hầu như không có kết quả. Duy nhất chỉ có hợp đồng ngắn hạn tại một NH thương mại ở TP.HCM vì không quá lớn nên sau khi trả hết nợ, nhà băng này tự động thông báo giảm LS vay 10,6%/năm xuống 9,9%. Còn hầu hết các hợp đồng vay có thời hạn từ 3 năm trở lên Công ty Kim Phát vẫn trả lãi ở mức 9 - 9,5%/năm, riêng hợp đồng vay kỳ hạn ngắn thì LS là 7,5%.
Theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo, thống kê NH Nhà nước, các tổ chức tín dụng dự báo LS huy động và cho vay tiếp tục giảm trong quý 3 và cả năm 2020. Thanh khoản của hệ thống NH tính đến thời điểm cuối quý 2 được đánh giá ở trạng thái “tốt” đối với cả VNĐ và ngoại tệ, dự báo qua quý 3 tình hình này cũng sẽ tiếp tục được cải thiện. Huy động vốn kỳ vọng tăng bình quân 3,1% trong quý 3 và 8,3% trong năm 2020, giảm hơn so với các kỳ điều tra trước đó. Còn đối với tăng trưởng tín dụng, các NH kỳ vọng tăng 3,5% trong quý 3 và 10,5% trong năm 2020, giảm mạnh so với kỳ vọng tương ứng 13,1 - 14,1% của 2 kỳ điều tra trước.
Chờ không được, ông Thanh cho biết đã nghĩ đến giải pháp đi vay nóng bên ngoài để đảo nợ, nhằm vay mới để hưởng LS thấp hơn, thế nhưng lại chưa dám. “Nguồn vốn luôn quan trọng với các DN, nhất là DN nhỏ như chúng tôi. Lỡ như vay nóng đảo nợ xong mà NH lại không cho vay thì càng chết nên đành cắn răng gồng mình trả nợ cũ. Dù thấy Chính phủ, NH Nhà nước đều kêu gọi nhưng các NH vẫn không giảm LS hoặc chỉ giảm không đáng kể. Tôi biết có những DN lớn họ vay hàng trăm tỉ đồng nhưng với LS ưu đãi từ 5 - 6%/năm nhưng các công ty nhỏ như mình thì không được. Điều này càng khiến DN nhỏ khó càng thêm khó”, ông Thanh bày tỏ.
Tương tự, ông Lê Việt, chủ một cơ sở may tại Q.Tân Phú (TP.HCM), cũng chia sẻ gia đình ông có một hợp đồng vay kỳ hạn 1 năm với LS 9,5%/năm. Dù có nghe phong thanh rằng có thể NH sẽ giảm LS cho vay xuống còn 9%/năm nhưng chờ mãi chưa được thông báo chính thức. Trong khi đó, gia đình ông có một khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng để xoay xở cho việc kinh doanh thì từ LS 4,2%/năm đã giảm xuống 4%/năm. “LS gửi tiết kiệm thì giảm liên tục mà lãi vay thì không giảm. Nhưng mình cần vốn phải chấp nhận. Hơn nữa, cơ sở kinh doanh chỉ có ngôi nhà làm tài sản thế chấp thì lấy đâu ra tài sản đảm bảo khác để đi vay mới dù được LS thấp hơn? Đành chịu vậy”, ông Việt chia sẻ thêm.
Theo: Thanh niên

Chuyên mục:

NHẬN XÉT&BÌNH LUẬN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét