Sức bật Bình Phước

 BPO - PGS.TS. Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nói: Trước đây, do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan cũng như do những đặc thù của tỉnh nên kinh tế - xã hội ở Bình Phước như chiếc lò xo bị nén lại. Vài năm trở lại đây, chiếc lò xo này đã bung bật, tạo nên sức bật mới về mọi mặt. Sức bật đó được thể hiện qua các chỉ số phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người, hoạt động xuất khẩu...

Quả thật, qua chặng đường 23 năm không nghỉ, vùng đất Bình Phước đã thay da đổi thịt, bắt nhịp tiến trình cùng cả nước đi lên trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới. Ấn tượng về Bình Phước hôm nay không chỉ là sự cần cù, sáng tạo của người dân trong cuộc mưu sinh đầy gian khó, mà sự đổi thay toàn diện từ đời sống đến cơ cấu kinh tế, thu nhập của người dân… Bình Phước đã và đang vươn lên mạnh mẽ hướng vào top các tỉnh, thành phố hàng đầu trong cả nước.

Bứt phá mạnh về kinh tế

Sau ngày tái lập, khi nhắc đến Bình Phước, mọi người đều nghĩ đến một tỉnh nghèo miền sơn cước, vùng biên giới xa xôi. Nơi đó, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém và trình độ dân trí thấp. Năm 1997, cơ cấu kinh tế của tỉnh chỉ là nông nghiệp; lĩnh vực công nghiệp chủ yếu vài tổ hợp chế biến hạt điều, sơ chế mủ cao su, khai thác đá, đũa tre... Toàn tỉnh duy nhất 1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên thu ngân sách chỉ 172 tỷ đồng.

Thi công đường tại vùng sâu Đăng Hà, huyện Bù Đăng để tạo động lực phát triển

Xuất phát từ những điều kiện vô cùng khó khăn đó, Bình Phước đã xác định tầm quan trọng cho sự phát triển đúng hướng và khoa học là công tác quy hoạch trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Vì vậy, tỉnh đã chú trọng công tác quy hoạch, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, phát triển ngành, địa bàn, xây dựng… Từ những quy hoạch đã được phê duyệt, Bình Phước đang hoàn thiện dần diện mạo kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông từ trung tâm tỉnh lỵ đến các huyện và tiếp đến là các xã vùng sâu, vùng xa. Hệ thống giao thông của tỉnh từ thành phố Đồng Xoài đã kết nối với các xã, địa bàn vùng sâu, xa, biên giới hay với các tỉnh, thành khác khá hoàn chỉnh. Các khu công nghiệp ở Đồng Xoài, Chơn Thành, Đồng Phú… được đầu tư xây dựng hạ tầng bài bản. Các nhà đầu tư đã triển khai nhiều dự án thủy điện, sản xuất phân bón, trồng và chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu mang lại nhiều nguồn thu cho ngân sách. Do vậy, chỉ 23 năm sau ngày tái lập, Bình Phước đã có bước phát triển vượt bậc; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; sản xuất công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu tăng nhanh; thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước; kết cấu hạ tầng được ưu tiên đầu tư; văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống nhân dân, nhất là người nghèo được quan tâm, chăm lo đúng mức.

Theo đánh giá, năm 2010, tức 13 năm sau ngày tái lập, thu ngân sách của tỉnh đạt 2.062 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 18,5 triệu đồng. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay các lĩnh vực công nghiệp - thương mại và dịch vụ đã đóng góp gần 53% trong tăng trưởng kinh tế; lĩnh vực nông, lâm, thủy sản giảm từ 57% còn 47%. Đặc biệt, trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh hại cây trồng, vật nuôi và đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Phước vẫn khá cao với 7,51%; thu hút đầu tư trong nước 120 dự án với số vốn đăng ký 12.000 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 432 triệu đô la Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020 tăng 7,33%, với giá trị gần 2.840 triệu USD; thu ngân sách đạt 10.700 tỷ đồng; thu nhập bình quân 67,3 triệu đồng/người/năm. Toàn tỉnh có 13 khu công nghiệp, trong đó 8 khu đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 90% đã góp phần đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn hiện nay.

Vững vàng đi tới tương lai

Bình Phước hôm nay đã rút ngắn được khoảng cách với các tỉnh, thành bạn bởi hệ thống giao thông kết nối rộng khắp và những kết cấu hạ tầng cơ bản khác như điện, trường học, cơ sở y tế, hệ thống phát thanh - truyền hình và các hạ tầng dân sinh khác đã có mặt trên tất cả thôn, sóc. Vùng đất miền Đông gian khó năm nào nay đã thay da đổi thịt. Đồng bào S’tiêng, Mơnông, Khơme… đã vượt qua nghèo đói và xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi. Đời sống dân cư được cải thiện, kinh tế - xã hội đã có nhiều khởi sắc, quan hệ quốc tế được duy trì…

Phát huy những thành tựu đạt được, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra mục tiêu quan trọng trong nhiệm kỳ 2020-2025 phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ khi đến thăm và làm việc tại tỉnh đã đánh giá rất cao về các thành tựu kinh tế - xã hội và an ninh, chính trị của Bình Phước trong thời gian qua. Bình Phước đã biết phát huy các thế mạnh về đất đai, khí hậu, cây trồng và các chính sách ưu đãi đầu tư để bứt phá vươn lên. Bình Phước phấn đấu đến năm 2025 thu ngân sách đạt 18.500 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng; thành lập mới 6.000 doanh nghiệp và 150 hợp tác xã... Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Bình Phước tập trung tái cơ cấu kinh tế, lựa chọn các ngành, lĩnh vực có hiệu quả để đầu tư; tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông thuận lợi kết nối vùng; đổi mới chính sách thu hút đầu tư. Một trong những chương trình đột phá là tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm tại huyện Đồng Phú và Chơn Thành để hình thành tam giác phát triển: Đồng Phú - Đồng Xoài - Chơn Thành. Tập trung cải cách hành chính, đến năm 2025 chính quyền điện tử của tỉnh trong top 30 các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Xây dựng chính sách thu hút lao động, phát triển hệ thống dạy nghề, liên kết đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020 của tỉnh, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã gợi mở về khai thác hiệu quả 5 thế mạnh và 5 nhiệm vụ cốt lõi là cơ hội để Bình Phước tăng sức bật mới, vươn lên cùng tầm cao của thời đại.

Khách đến Bình Phước hôm nay không chỉ đến với vùng đất đang tràn đầy sức sống mới, mà còn về với một chuỗi đô thị Đồng Xoài - Phước Long - Bình Long trẻ trung, năng động. Đó còn là Chơn Thành, Đồng Phú, Đồng Xoài trở thành những khu công nghiệp sầm uất. Bù Gia Mập, Bù Đăng, nơi hội tụ của các loại hình du lịch. Một Bù Đốp đang được tập trung đầu tư để cải thiện hạ tầng và nâng cao đời sống nhân dân. Đó còn là Lộc Ninh với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế nối liền các nước Đông Dương và Thái Lan… Đó còn là sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao trong các tầng lớp nhân dân, vượt qua khó khăn, thử thách đưa Bình Phước tiến lên. Những thành tựu đó là tiền đề thuận lợi để cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà siết chặt đoàn kết, phấn khởi, tự tin hướng tới mục tiêu xây dựng Bình Phước thành tỉnh công nghiệp vào năm 2025.

Tấn Phong
Chuyên mục:

NHẬN XÉT&BÌNH LUẬN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét